Các giới tử tấn đàn Tỳ-kheo tại Đại Giới đàn Bửu Huệ, PL.2567
Cho dù dòng đời cứ mãi ngược xuôi, nhưng con người lớn lên ai cũng thầm mong và cố gắng để có một ngày tươi đẹp nhất trong đời, một ngày hãnh diện với bà con xóm giềng, bạn bè thân thuộc. Đó là ngày hạnh phúc bước lên xe hoa.
Người xuất gia học đạo thì không có ngày ấy. Ngay từ lúc ấu niên vào chùa đã phải từ xa thân thuộc họ hàng, nên chỉ biết đến tình thương che chở, chăm sóc giới thân huệ mạng của Thầy và sự nâng đỡ, đùm bọc yêu thương của huynh đệ đồng môn. Họ cạo bỏ mái tóc xanh, chừa lại trên đầu một chỏm nhỏ, vai khoác mảnh áo đà chắp nối thô sơ nhiều miếng, dưới hình thức ‘hủy hình’ lánh xa trần thế; ngày ngày chỉ biết siêng năng công phu tu tập; tháng tháng đạm bạc dưa muối tương rau, cuộc đời làm điệu cũng lắm nỗi gian lao, nhất nhất phải khép mình vào oai nghi và Giới luật. Trên đôi môi điệu lúc nào cũng để sẵn một nụ cười hồn nhiên, chân thật. Trong lòng điệu lúc nào cũng trắng trong như tuyết băng. Ngày tháng đắp đổi đi qua, điệu ao ước mau chóng trưởng thành, khao khát đến ngày được đăng đàn thọ giới Cụ túc. Ngày này được coi là ngày trọng đại nhất của đời người xuất gia. Nó là dấu mốc quan trọng chuyển đổi từ vai trò làm em lên bổn phận hàng đầu bảy chúng. Chính ngày này, người xuất gia chính thức dự vào hàng ‘chúng Trung Tôn’, kế thừa gia tài Phật Tổ, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, duy trì mạng mạch Chánh pháp của Như Lai.
Nếu như người thế gian phải lắm phen trôi nổi, thăng trầm vất vả mới có được ngày hạnh phúc lên xe hoa thì người xuất gia bước lên địa vị ‘chúng Trung Tôn’ cũng phải trải qua rất nhiều gian lao thử thách. Nhiều năm trau dồi giới hạnh tinh chuyên, mức độ thâm nhập Phật pháp khả dĩ gọi là ‘thấm tương chao’ thì Thầy Bổn Sư mới đồng ý cho đăng đàn thọ Đại giới.
Khi Đức Phật còn tại thế, những vị đắc giới Tỳ-kheo đều là những bậc căn tánh lanh lợi, các pháp hữu lậu ít phát sinh, cho nên vấn đề thành tựu bản thể Tỳ-kheo có đến năm bậc:
- Thấy đạo thọ giới.
- Thiện lai thọ giới.
- Tự thệ thọ giới.
- Ba lời được thọ giới.
- Bạch tứ Yết-ma được thọ giới.
Đời nay phải tác pháp Bạch tứ Yết-ma như pháp mới thành tựu được bản thể Tỳ-kheo. Còn bốn bậc trên trong thời nay không còn thấy xuất hiện. Bởi vì, căn trí con người ngày càng chậm lụt, các pháp vô lậu càng khó có điều kiện để thành tựu. Thế nên, đúng như pháp được bản thể Tỳ-kheo thì giới tử nhất định phải đắc giới ngay trước Thập sư, thọ một cách đúng pháp thì ‘Vô tác giới thể’ mới phát sinh được. Vấn đề này đòi hỏi phải đầy đủ ba yếu tố rất quan trọng:
- Giới sư phải cực kỳ thanh tịnh.
- Đàn tràng phải cực kỳ trang nghiêm.
- Giới tử phải phát tâm cực kỳ dõng mãnh, tha thiết cầu pháp giới.
Nếu một trong ba yếu tố này bị khiếm khuyết thì nhất định ‘Vô tác giới thể’ không thể phát sinh được. Nếu Vô tác giới thể không phát sinh thì giới tử thật sự không có năng lượng giữ gìn được trọn vẹn những giới đã thọ và đi tới định, tuệ.
Vô tác giới thể là một nguồn năng lượng được sản sinh từ năng lực khao khát được thọ giới của giới tử, cộng với năng lực thanh tịnh của hội đồng truyền giới là Tam sư, Thất chứng. Nguồn năng lượng này là sắc, nhưng không phải là biểu sắc mà là vô biểu sắc, vì nó có công năng điều khiển các hoạt động của thân và khẩu, dừng ác sanh thiện mà không biểu hiện ra ngoài.
Nhìn dáng đi thoát tục của một giới tử vừa mới đăng đàn, nhìn ánh mắt sung sướng như có được trân bảo của giới tử khi mới thọ giới xong, là ta biết ngay giới thể đang phát triển trong người của giới tử ấy. Vô tác giới thể có khả năng phòng hộ những giới đã lãnh thọ. Tính chất của nó giống như phản xạ tự nhiên, giống như anh tài xế khi gặp tai nạn bất ngờ là chân đạp nhanh vào bàn thắng. Năng lượng giới thể giữ gìn việc làm của thân và khẩu một cách cẩn thận, không cho những điều bất thiện phát sinh và hết sức tự nhiên mà không cần hỏi ý kiến, hay cần sự tiếp tay của ý thức. Tầm quan trọng của Vô tác giới thể là như thế, nên ngài Bàn Công nói: “Yết-ma lần thứ nhất, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới, nghiệp lực trong tâm đều chấn động. Yết-ma lần thứ hai, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới như mây, như lọng che trên đảnh môn của hành giả. Yết-ma lần thứ ba, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới từ trong đảnh môn của hành giả chảy vào trong thân tâm tràn đầy chánh báo”.
Nhìn dáng đi thoát tục của một giới tử vừa mới đăng đàn, nhìn ánh mắt sung sướng như có được trân bảo của giới tử khi mới thọ giới xong, là ta biết ngay giới thể đang phát triển trong người của giới tử ấy. Vô tác giới thể có khả năng phòng hộ những giới đã lãnh thọ. Tính chất của nó giống như phản xạ tự nhiên, giống như anh tài xế khi gặp tai nạn bất ngờ là chân đạp nhanh vào bàn thắng. Năng lượng giới thể giữ gìn việc làm của thân và khẩu một cách cẩn thận, không cho những điều bất thiện phát sinh và hết sức tự nhiên mà không cần hỏi ý kiến, hay cần sự tiếp tay của ý thức. Tầm quan trọng của Vô tác giới thể là như thế, nên ngài Bàn Công nói: “Yết-ma lần thứ nhất, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới, nghiệp lực trong tâm đều chấn động. Yết-ma lần thứ hai, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới như mây, như lọng che trên đảnh môn của hành giả. Yết-ma lần thứ ba, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới từ trong đảnh môn của hành giả chảy vào trong thân tâm tràn đầy chánh báo”.
Thế nên, năng lực của người trao giới thể và năng lượng của kẻ nhận giới thật quan trọng. Nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời tu của bất kỳ hành giả nào muốn đạt đến Tuệ giác Vô thượng.
Con thuyền nhân thế còn chọn bến đục, bến trong để đỗ, nhưng đôi khi vì hoàn cảnh hay duyên nghiệp nên chuyện bến trong, bến đục chỉ trông vào sự may rủi. Những giới tử đăng đàn thọ Cụ túc cũng tha thiết có được một ‘bến trong’ để thành tựu được bản thể Tỳ-kheo, để làm vũ khí cần thiết trên lộ trình hàng phục các ma phiền não. ‘Bến trong’ ấy, tùy thuộc rất nhiều vào mười vị giới sư. Kinh Tỳ-ni-mẫu khẳng định: “Thầy Hòa thượng và hai thầy A-xà-lê phải như pháp. Bảy thầy Tôn Chứng phải thanh tịnh và rành Luật tạng”.