Lịch sử Chư tổ luật học

Tôn giả Ưu-ba-ly

Khi Đức Phật sắp Niết-bàn, tôn giả A-nan hỏi Đức Phật nhiều vấn đề, trong đó có câu hỏi:
– Sau khi Thế Tôn Niết-bàn chúng con nhận ai làm thầy?
Đức Phật trả lời:
–  Hãy lấy Giới luật làm thầy, Giới luật còn đạo ta còn.
Như vậy, người Phật tử không luận Tăng hay tục đều phải tuân giữ Giới luật. Trong số các vị đại đệ tử của Đức Phật có Ưu-ba-ly là người tu hành, hành trì Giới luật rất đầy đủ. Do đó, Ngài được suy tôn là bậc Trì Giới Đệ Nhất.

1. Dòng họ và nghề nghiệp của tôn giả Ưu-ba-ly

Ngày xưa ở Ấn Độ,  luật Ma-nu chia thành phần xã hội ra làm 4 giai cấp: Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá, Thủ-đà-la.
Người sinh vào giai cấp nào phải giữ truyền thống của giai cấp đó. Người sinh vào dòng Bà-la-môn được làm đạo sĩ học thánh điển Vệ-đà, lo việc tế tự. Người sanh vào dòng Sát-đế-lợi được làm vua chúa quan quyền, cai trị Ấn Độ. Người sinh vào dòng Phệ-xá mãi mãi là công thương. Người sinh vào dòng Thủ-đà-la suốt đời làm nô lệ, bị bạc đãi nhất trong xã hội. Khi ra đường Thủ-đà-la gặp đạo sĩ hoặc vua quan, phải tìm bờ bụi ẩn nấp, nếu lén nhìn sẽ bị móc mắt. Nếu nói tên Bà-la-môn bị cắt lưỡi, không tuân Pháp luật vua quan bị đổ dầu sôi vào lỗ tai. Ưu-ba-ly sanh vào dòng Thủ-đà-la, bởi thế ngay từ thuở nhỏ đã không được hưởng quyền lợi về học vấn. Lúc lớn khôn cha mẹ định chọn cho Ưu-ba-ly một nghề sinh nhai, nhưng trong các nghề mà người nô lệ được phép làm như lao động tay chân, cày cuốc, đánh xe, giữ ngựa, gánh phân, Ưu-ba-ly không đủ sức vì ốm yếu mảnh mai. Cuối cùng Ưu-ba-ly được chọn đi học nghề thợ cạo râu tóc, nghề nhẹ nhàng nhất, học chẳng bao lâu Ưu-ba-ly thành thạo nghề nghiệp một cách tài tình.
Nhờ có người giới thiệu, Ưu-ba-ly được nhận vào vương cung Ca-tỳ-la-vệ để hớt cạo râu tóc cho các vương tôn công tử. Nhờ đức tính thuần lương nhu mì, trung hậu, Ưu-ba-ly được các vương tôn công tử tín nhiệm và cho ở lại trong cung đình. Ma-ha Bạt-đề, A-na-luật, Kiếp-tân-na rất thích Ưu-ba-ly, qua sự khéo léo tay nghề. Khi Đức Phật trở vào thành Ca-tỳ-la-vệ, Ưu-ba-ly được đưa đến cạo tóc cho Đức Phật. Tương truyền, vì lo ngại thất lễ, lúc cạo tóc Ưu-ba-ly khom lưng, cúi đầu. Mẹ của Ưu-ba-ly hỏi Đức Phật về kỹ thuật của con, Phật bảo: “Thân thể rất cong”.
Nghe thế Ưu-ba-ly ngẩng đầu lên và tập trung tâm ý trong việc hớt tóc, tâm Ưu-ba-ly thể nhập Sơ thiền. Mẹ Ưu-ba-ly lại thưa Đức Phật về kỹ thuật, Phật bảo: “Lúc này thân thể ngay thẳng”. Nghe Đức Phật bảo, Ưu-ba-ly càng nhất tâm hơn, không dám suy nghĩ vọng tưởng gì ngoài việc cạo tóc, tâm Ưu-ba-ly thể nhập Nhị thiền. Vì quá chú tâm hơi thở dồn dập nên khi bà mẹ lại hỏi Đức Phật về cách cạo có nhẹ nhàng không? Đức Phật nói: “Hơi thở vào quá thô”. Nghe nói Ưu-ba-ly lại tập trung tâm ý vào hơi thở, thể nhập Tam thiền.
Lúc cạo gần xong râu tóc, bà mẹ lại hỏi Phật xem Ưu-ba-ly đã thiện nghệ hay chưa, Phật nói: “Hơi thở quá thô”. Vì quá chú tâm đến công tác, Ưu-ba-ly không còn tưởng niệm gì cả, Đức Phật biết Ưu-ba-ly đang ở trong trạng thái Tứ thiền. Hớt cạo râu tóc cho Đức Phật xong Ưu-ba-ly thấy lòng thơ thới, sung sướng vô cùng, vì đã có dịp tiếp cận với Đức Phật. Qua sự chú tâm lưu ý đến việc hớt tóc, nhất là mỗi khi nghe Đức Phật chỉ dạy, Ưu-ba-ly cố sức sửa đổi tâm tư động tác, những cử chỉ đó đã mở đầu cho thấy Ưu-ba-ly sẽ là một con người rất nghiêm túc trong từng tác phong cử chỉ.

2. Đạo Nghiệp của tôn giả Ưu-ba-ly

Trong thời gian lưu lại thành Ca-tỳ-la-vệ Đức, Phật đem giáo pháp đã chứng ngộ truyền giảng, tất cả các vị hoàng thân, vương tôn, công tử và bá quan đều vô cùng hoan hỷ và tán thán Đức Phật. Nhờ thấm nhuần mưa pháp một số vương tôn từ bỏ cuộc sống giàu sang nơi cung vàng để xin theo Đức Phật xuất gia. Ngoài các vị đã xuất gia từ trước như Ma-ha-nam, Ma-ha Bạt-đề, kỳ này có các vị như Đề-bà-đạt-đa và A-nan con vua Bạch Phạn; A-na-luật con Cam Lộ Vương; Ma-ha Bà-sa con Hộc Phạn Vương và La-hầu-la cháu nội vua Tịnh Phạn. Khi được Đức Phật nhận, A-na-luật hăng hái gọi Ưu-ba-ly đến nhờ cạo tóc. Ưu-ba-ly vốn là người đã hầu hạ Bạt-đề ngày trước. Rồi tuần tự Ưu-ba-ly cạo tóc cho các vương tôn công tử khác. Vốn đã được gặp Phật trong khi cạo tóc cho Đức Phật từ trước, nay thấy cảnh xuất gia nồng nhiệt, vui vẻ của các vương tôn tại hoàng cung, Ưu-ba-ly thấy tủi hổ cho thân phận kẻ nô lệ, khôn có cách nào để xuất gia thoát tục. Ngài Xá-lợi-phất thấy vậy an ủi:
– Này Ưu-ba-ly! Vì chưa thấu hiểu được giáo thuyết bình đẳng của Phật ông mới buồn tủi và khóc than. Ông nên biết rằng trên đường giáo hóa, Đức Phật không có tâm phân biệt, người này giàu sang, kẻ kia ngu si nghèo đói, ai muốn xuất gia cầu giải thoát sinh tử luân hồi Phật đều nhận tất cả. Vì từ tâm của Đức Phật là hơi thở của vạn vật, là mạng mạch của nhân sinh, là trái tim của chánh pháp, lòng từ bi đó không khác biển cả hay hư không. Biển cả dung chứa mọi sinh vật, làm sạch tất cả dơ bẩn do sông rạch chảy vào, hư không trùm khắp cả muôn loài, không loại trừ bất cứ một vật nào, có bao nhiêu loài hữu tình hay vô tình đều được dung chứa. Còn chúng sanh muốn được giải thoát, muốn được Đức Phật cho gia nhập giáo đoàn, cần yếu phải nghiêm trì Giới luật. Với bản tính thật thà, khiêm cung, cần mẫn, chu đáo… sẳn có, được xuất gia ông sẽ giữ tròn giới pháp của Đức Phật, ông hãy tin tưởng chớ chán nản, tôi sẽ hướng dẫn đến bái yết Đức Phật, chắc chắn Đức Phật sẽ hoan hỷ đón nhận.
Đúng như ý của Xá-lợi-phất, khi gặp Ưu-ba-ly, Đức Phật rất niềm nở đón nhận và dạy rằng:
– Này Ưu-ba-ly! trước đây khi cạo tóc cho Ta, ông đã biểu thị đức tánh của người xuất gia, rất khiêm cung lễ độ, chăm chú vào việc làm, tâm không dấy động. Thâm tâm của ông lúc đó đã chuyển từ trạng thái Sơ thiền sang trạng thái Tứ thiền, giờ này ông xin xuất gia rất là hợp thời điểm. Trước đây, Ta đi xuất gia một phần là vì muốn công bằng xã hội, do đó giáo pháp của Ta mang tính bình đẳng trước mọi người oán cũng như thân, giai cấp cao cũng như giai cấp thấp. Bất cứ ai nếu tinh tấn giữ gìn Giới luật tất sẽ được giải thoát, Ta sẽ thế phát cho ông bây giờ. Còn lễ thế phát cho các vương tôn công tử sẽ cử hành sau bảy ngày nữa, vì đó là tuần huấn nhục, giúp họ tập quen khó nhọc, lãng quên tâm lý hưởng thụ giàu sang.
Trong các vương tôn đều xuất gia cùng một ngày, nhưng Đức Phật cho Ưu-ba-ly thế phát trước, các vương tôn thế phát sau, với dụng ý như nêu trên. Ngày Bạt-đề xuất gia, Đức Phật bảo Bạt-đề hãy đảnh lễ Ưu-ba-ly, lý do là vì Ưu-ba-ly lớn tuổi hơn. Những việc làm này, ngoài một phần như lý do đã nêu trên, còn có mục đích để phá tan tâm kiêu mạn của các vương tôn và cho thấy tinh thần bình đẳng của giáo pháp, nhằm xóa bỏ mọi giai cấp trong xã hội. Trên đường giáo hóa, Ưu-ba-ly là người đầu tiên thuộc dòng họ nô lệ Thủ-đà-la được Đức Phật thu nhận vào hàng đệ tử.
* Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Giới:
Trong giáo đoàn, tôn giả Ưu-ba-ly rất được trọng nể nhờ nghiêm trì Giới luật. Với tính thận trọng sợ lỗi lầm, tôn giả thường hỏi Đức Phật về Giới luật, những giới mà Ưu-ba-ly thưa hỏi Đức Phật rất nhiều, tất cả đều được ghi lại trong Luật tạng. Tuy nhiên, để thấy sự chú ý của Ưu-ba-ly về Giới luật, cần nêu ra một vài trường hợp như sau:
Theo luật của Sát-đế-lợi, người dòng họ Thích không được kết hôn với người ngoài dòng họ Thích. Có một cô gái thuộc dòng họ Thích tên là Hắc Ly Xa, lúc đang độ thanh xuân chẳng may chồng cô chết sớm, sau một thời gian cô muốn kết nghĩa với người ngoài dòng họ Thích, nhưng người em chồng không ưng thuận lại muốn Hắc Ly Xa làm vợ mình. Để trả thù vì bị Hắc Ly Xa cự tuyệt, trong một bữa ăn tên em chồng bỏ thuốc mê vào thực phẩm. Khi ăn xong Hắc Ly Xa bất tỉnh, tên này dùng roi đánh đập nàng tàn nhẫn và dẫn đến trình quan với lời mạo nhận rằng:
– Cô này là vợ của tôi, cô thường tư thông với người ngoài dòng họ, xin quan xét xử và nghiêm trị đích đáng.
Vua xử Hắc Ly Xa phải chịu tử hình, khi bị giam giữ thừa dịp người gác tù lơ đễnh, Hắc Ly Xa bỏ trốn và đến một Ni viện ở Xá-vệ xin xuất gia. Tại Ca-tỳ-la-vệ, sau khi truy nã tù nhân không có kết quả, nhà vua nghe Hắc Ly Xa đã trốn sang Xá-vệ, nhà vua viết biểu yêu cầu vua Xá-vệ truy nã Hắc Ly Xa và bắt giải về Ca-tỳ-la-vệ gấp. Truy nã không ra,  nhà vua mới biết nữ tù nhân đã vào tu trong Ni viện, nơi bất khả xâm phạm. Vua Ba-tư-nặc lại viết biểu trả lời vua Ca-tỳ-la-vệ và cho biết sự cố. Tin nữ tù nhân vượt ngục vào trong Ni viện được lan truyền khắp nơi, khiến dư luận xôn xao và hai nước trở nên hiềm khích. Nghe sự tình khó giải quyết, Ưu-ba-ly đến trình Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn! Người đã phạm quốc pháp, chúng ta có thể thu nhận cho xuất gia không?
– Này Ưu-ba-ly! Quốc pháp hợp lý hay không hợp lý đó là việc của chính phủ và dân chúng, còn đối với người phạm tội khi chưa được tuyên bố ân xá, Tăng đoàn không được làm phép cho xuất gia.
Sau khi trả lời cho Ưu-ba-ly, Đức Phật gọi Ni chúng cho Hắc Ly Xa xuất gia đến quở trách, lúc bấy giờ có nhiều người phàn nàn cho Đức Phật là thiếu từ bi, không che chở cho tội nhân. Biết tin đó, Đức Phật họp đại chúng lại dạy rằng:
– Tăng đoàn cần thanh tịnh, phạm Giới luật còn bị tẩn xuất thì phạm pháp nước phải chịu Luật nước xử trị. Phật pháp không thể che chở cho tội nhân vì Tăng đoàn cần phải được mọi người trọng nể.
Một lần khác có người nhờ Tỳ-kheo mai mối giữa nam và nữ, không biết xử lý cách nào Ưu-ba-ly đến hỏi Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn! Tỳ kheo và Tỳ kheo ni có thể làm mai mối cho nam nữ được không?
Đức Phật trả lời:
– Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem tâm tình người nam ngõ với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, cho đến thành hôn lễ hoặc tư thông trong giây lát, phạm Tăng-già Bà-thi-sa, cần phải hối quá vì căn bản sinh tử dục là tội thứ nhất.
– Bạch Thế Tôn! Đối với việc hôn lễ của các tín đồ tại gia, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nên có thái độ lưu tâm như thế nào?
– Không nên lưu tâm lắm, nếu việc hợp pháp có thể đối trước tam bảo làm lễ chứng minh cho họ.
Một hôm, Ưu-ba-ly đi sau Đức Phật thấy một bệnh nhân nằm rên la ở chỗ dơ uế. Một hôm khác trên đường hóa đạo, các Tỳ-kheo gặp một bệnh nhân nằm bên vệ đường. Vì chưa nghe Đức Phật giảng về phép thăm nuôi bệnh nhân, các Tỳ-kheo đi nhiễu một vòng rồi tiếp tục lên đường. Lại một lần khác, trong đại chúng có một Tỳ-kheo bệnh mà không ai chăm sóc. Tỳ-kheo bệnh nghĩ đang lúc bệnh hoạn có thể không cần giữ giới, tự ý buông lung. Động lòng trắc ẩn, Ưu-ba-ly đến thưa hỏi Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn! Nếu có đại đức, Tỳ-kheo bệnh, chúng con nên chăm sóc như thế nào?
Này Ưu-ba-ly! Khi có Tỳ-kheo bệnh, chúng Tăng nên đem bệnh nhân đến ở phòng chính nơi thoáng khí, cắt cử người thay phiên chăm sóc, ăn uống thuốc thang. Các đệ tử cũng thay phiên nhau túc trực hầu hạ, quét dọn sạch sẽ, cắm hoa, đốt hương, theo dõi bệnh tình, hơi thở… Khi có người đến thăm cần tiếp đón nồng hậu, khách hỏi bệnh nhân điều gì hãy thay bệnh nhân trả lời đầy đủ. Nếu có phật tử đến thăm, hãy mời họ ngồi đằng sau, hoặc phía từ nửa mình bệnh nhân trở xuống. Nếu họ phát tâm cúng dường những gì, hãy niệm Phật chú nguyện, rồi tiếp thọ nói pháp cho họ nghe. Khi người bệnh cần đại tiểu tiện, hãy mời khách ra ngoài rồi lo cho bệnh nhân.
Ở ngoài cửa cũng cần có người trực để hướng dẫn khách thăm bệnh. Đó là đối với các Tỳ-kheo Đại đức, còn các Tỳ-kheo nhỏ cũng hãy chăm sóc như thế, có điều là không nên đem bệnh nhân đến ở phòng chính. Nếu bệnh nhân không có sư trưởng hoặc đệ tử, các Tỳ-kheo đồng trú xứ nên phân công chăm sóc bệnh nhân. Nếu trong chúng không đủ điều kiện thuốc thang cho bệnh nhân, có thể lấy vật dụng của họ đem bán lấy tiền lo thuốc cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không ưng thuận, hãy mời vị trưởng thượng đến thuyết phục, nếu không có vật đổi chác, khi đi khất thực, Tỳ-kheo mang hai bát, một cho mình và một cho bệnh nhân. Khất thực về hãy chọn các thức ăn bổ dưỡng dành cho người bệnh. Nếu họ viên tịch hãy xử lý vật dụng còn lại một cách hợp lý, như cúng dường Tam bảo hoặc phân chia cho đại chúng.
Với tâm từ bi, tôn giả Ưu-ba-ly rất quan tâm đến người bệnh, nhất là người xuất gia vì họ đã cắt ái từ thân, cho nên lúc lâm bệnh họ rất cô độc và cần có người chăm sóc. Đức Phật dạy, trong các phước điền, chăm sóc bệnh nhân là phước điền đệ nhất.
* Kiết tập Luật tạng:
Ở trong Tăng đoàn không những lo giữ Giới luật, bàn với Đức Phật nhiều điều về Giới luật, tôn giả còn xử lý các Tỳ-kheo phạm tội, làm phép Yết-ma sám hối, giảng giải Giới luật cho các Tỳ-kheo, Về phía người nữ với tính rụt rè, các Tỳ-kheo-ni không dám đem các vấn đề bạch Đức Phật, các vị thường đem những gì không biết hoặc còn nghi ngờ về Luật học thưa hỏi tôn giả. Ngoài Đức Phật ra, tôn giả gần như là người có đủ thẩm quyền quyết định về mọi vấn đề liên quan đến Giới luật.
Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, trong cuộc kiết tập Pháp tạng lần thứ nhất tại hang Kỳ-xà-quật gồm 1.250 vị A-la-hán do tôn giả Đại Ca-diếp làm chủ tọa, tôn giả A-nan tuyên trì tạng Kinh, tôn giả  Ưu-ba-ly tuyên đọc 80 lần các Giới luật do Đức Phật chế định. Từ cuộc kiết tập này, bộ Bát Thập Tụng Luật được hình thành và đó là bộ Luật căn bản đầu tiên của Phật giáo.

Bài viết liên quan

Xem thêm

Thứ Bảy, 14/12/2024 (tức 14/11 Giáp Thìn)
Đính chính các thông sai lệch và cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo kêu gọi quyên góp liên quan đến tang lễ của Thượng tọa Thích Minh Dũng

       Luật viện chùa Huệ Nghiêm vừa thông báo về việc đính chính các thông sai lệch và cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo kêu gọi quyên góp liên quan đến tang lễ của Thượng tọa Thích...

Thứ Bảy, 30/11/2024 (tức 30/10 Giáp Thìn)
Thông báo tuyển sinh nội trú lớp Hoằng Luật Huệ Nghiêm khóa X (2025-2026)

      Ngày 15 tháng 11 năm 2024, Hòa thượng Thích Minh Thông – Chủ nhiệm lớp Hoằng Luật đã ấn ký thông báo tuyển sinh nội trú lớp Hoằng Luật Huệ Nghiêm khóa X (2025-2026).      Theo...

Chủ Nhật, 17/11/2024 (tức 17/10 Giáp Thìn)
THÔNG BÁO TỔ CHỨC LỄ KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP PHẬT HỌC VIỆN HUỆ NGHIÊM (1964-2024)

(Lễ tấn phong Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm)        Kính bạch quý Tôn đức!         Phật Học Viện Huệ Nghiêm được thành lập vào năm 1964, dưới sự lãnh đạo của ba...